Nên Chọn Máy Câu Ngang Hay Máy Câu Đứng? Lưu Ý Khi Lựa Chọn Mua Máy Câu
Khi tìm hiểu về máy câu cá, chắc chắn rất nhiều bạn sẽ thắc mắc nên chọn máy câu ngang hay máy câu đứng khi bắt đầu nhập môn thể thao câu cá hay gọi dân dã hơn là “bộ môn trời đày”. Để quyết định được nên chọn loại máy câu cá nào, bạn cần hiểu được ưu nhược điểm của loại máy đó và nhu cầu của mình. Với kinh nghiệm bản thân và kiến thức đúc kết được, Outdoors sẽ giúp bạn xác định được loại máy câu nào phù hợp và chia sẻ một số lưu ý khi lựa chọn mua máy câu.
So sánh máy câu ngang và máy câu đứng
Máy câu đứng
Máy câu đứng có đặc điểm được đặt song song với trục chính của cần câu. Máy thường dễ sử dụng do được thiết kế đặt phía dưới cần câu, giúp cân bằng trọng lượng, hạn chế mỏi tay. Tuy nhiên, do đặc điểm này nên lực ma sát sẽ không thay đổi suốt quá trình câu làm ảnh hưởng đến độ xa khi ném dây và khiến cho độ cứng của dây tăng lên, đặc biệt là khi sử dụng dây có trọng lượng nặng.
Dây câu được quấn vào nồi máy, sau đó quấn vào trục lăn (line roller) sau khi được xỏ vào khoen cần câu. Vòng gọng gió (được gọi là bail) cần được chỉnh đúng vị trí trong quá trình đặt dây vào máy câu.
Ổ cước máy đứng lớn hơn máy ngang nên tốc độ thu dây nhanh hơn và với cơ chế tháo lắp dễ dàng, ổ cước máy đứng cũng dễ thay hơn. Ngoài ra, cơ cấu truyền động không phức tạp, có sự liên kết tốt với nhau giúp cho quá trình ném mồi dễ dàng. Tay quay có thể thay đổi từ trái sang phải và ngược lại.
Khi ném dây, vòng bail được mở để dây có thể tuôn ra thoải mái, do đó bạn cần đặt ngón tay lên vị trí dây tuôn ra giữa máy câu và cần câu để tạo áp lực giúp kiểm soát việc tuôn dây và chỉ bỏ tay khỏi dây ở bước cuối cùng của quá trình ném dây.
Một vấn đề máy câu đứng thường gặp phải là tình trạng xoắn dây. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần xả dây ra để gỡ các vòng xoắn, điều chỉnh cho thẳng lại và quấn từ từ cẩn thận lại vào máy câu. Ngoài ra, khi sử dụng dây bện sẽ dễ bị quấn vào khoen. Lực ma sát được tạo ra khi dây chạy qua trục lăn có góc 90 độ gây áp lực lên hệ thống hãm dây.
Ưu điểm của máy câu đứng:
- Thuận tiện hơn trong việc thao tác ném đi dễ dàng hơn đối với người mới câu
- Sử dụng máy đứng dùng hầu như được tất cả các loại mồi câu cá lóc phổ biến hiện nay như: Cá giả, nhái hơi, nhái nhảy…
- Có thể sử dụng ném vứt các loại mồi có trọng lượng nặng nhẹ khác nhau thuận tiện hơn
- Tay tay quay đều có thể thay đổi trái phải tuỳ theo thuận tay của người câu
- Giá thành vừa phải, có nhiều mức giá khá là rẻ cũng như các mẫu mã phù hợp với mọi người
Nhược điểm của máy câu đứng:
- Nếu so sánh thao tác sử dụng của máy đứng thì nhiều hơn máy ngang, và thao tác không thuận lợi như máy ngang
- Trọng lượng máy thường hay nặng hơn máy ngang
- Dễ bị xoắn dây ( khắc phục trường hợp này bằng cách: khi vào dây phải chặt dây )
- Khi ném dây chạy qua các trục sẽ bị tạo ra nhiều ma sát làm cho dây đi không được xa
Máy câu ngang
Máy câu ngang được đặt phía trên cần câu giúp tạo thêm lực bẩy phụ, dễ tăng áp lực lên cá nhưng có chiều hướng lệch xuống dưới nên khiến cần thủ nhanh mỏi tay. Máy ngang cần phải được cân chỉnh trước khi sử dụng.
Sự khác nhau giữa máy câu ngay và máy đứng là nồi của máy ngang quay khi ném dây, dây tuôn thẳng ra từ ổ cước kích hoạt hệ thống hãm dây ngay lập tức nên đôi khi vài cần thủ sử dụng mồi nặng để hỗ trợ việc tuôn dây. Bạn cần điều chỉnh đúng cách và có kỹ năng khi ném dây bằng máy ngang để đảm bảo ổ cước ngừng quay khi mồi câu chạm mặt nước, nếu không dây sẽ bị rối.
Rối dây là một trong những nhược điểm lớn của máy ngang, đặc biệt với các cần thủ mới tập sử dụng máy ngang bạn có lẽ sẽ dành ⅔ thời gian để gỡ rối.
Ngoài ra, máy có ổ cước nhỏ khiến cho việc thu dây chậm hơn máy câu đứng. Cách thay ổ cước cũng phức tạp hơn. Cơ cấu truyền động tiên tiến, nhẹ nhàng đòi hỏi cần thủ có kĩ thuật cao hơn khi sử dụng máy câu ngang. Tay quay cố định, không thay đổi được như máy đứng, có mẫu tay quay đôi giúp tăng tốc độ quay.
Ưu điểm của máy câu ngang:
- Kích thước nhỏ gọn, nhẹ hơn máy đứng có cùng kích cỡ
- Kiểm soát được dây tốt khi ném mồi ra
- Cảm nhận được mồi cũng như khi cá ăn tốt hơn.
- Khi ném dây ra với kết cấu tuôn thẳng hỗ trợ ném mồi xa hơn
- Thao tác ít hơn máy đứng chỉ cần bấm nút xả dây – giữ dây – và ném – và quay vào
- Thuận tiện cho việc câu nhái hơi khi cá ăn vào chỉ cần bấm nút cho cá kéo dây chạy và quay vào để đóng cá
Nhược điểm của máy ngang:
- Hay rối dây khi bạn mới tập chơi máy ngang, đây là đặc sản của máy ngang
- Một máy không thể sử dụng được nhiều loại mồi, ví dụ máy có vòng tua 6.1 không thể đánh nhái nhảy vì vòng tua thấp nhái không nhảy trên mặt nước.
- Tay quay trái phải thì mua phải đúng máy không đổi tay quay như máy đứng được
- Giá thành phải hơn 1 triệu để có máy tốt sử dụng
Note: Nếu bạn không muốn máy ngang bị rối nhiều khi mới tập chơi, hãy hãm nút spoon lại và tăng số cao lên và tập ném, lúc đầu có thể gần nhưng để kiểm soát được lực ném, dần dần về sau rồi mới giảm số xuống. Ngoài ra nên chọn mua các loại máy ngang chính hãng shimano, daiwa, megabass, abu… để được hỗ trợ công nghệ hãm dây tốt
Một số lưu ý khi lựa chọn mua máy câu
1/ Bạn câu cá ở môi trường nước ngọt hay nước mặn?
Mặc dù không có sự khác biệt về chức năng của máy câu cá nước mặn và nước ngọt, các loại máy chỉ khác nhau về chất liệu. Các máy câu được sử dụng trong môi trường nước mặn thường được làm từ vật liệu cứng, chống ăn mòn như thép không gỉ và được phủ một lớp nhôm cũng như sử dụng vòng bi chất lượng cao do chúng được sử dụng trong môi trường có các chất ăn mòn nhiều.
2/ Máy câu được cấu tạo từ vòng bi hay ống lót?
Các dòng máy câu đắt tiền và chất lượng cao luôn sử dụng vòng bi giúp máy câu hoạt động trơn tru hơn khi chịu tải nặng (cá lớn). Trong khi ống lót được sử dụng trong các dòng máy câu cá thông thường vì chúng có giá thành rẻ, là sự lựa chọn phù hợp khi không cần phải bảo trì nhiều.
3/ Khung máy câu được làm bằng chất liệu gì?
Chất liệu khung máy hiện nay đa phần được làm từ graphite, nhôm hoặc nhựa tổng hợp. Nhôm hoặc hợp kim nhôm là chất liệu được ưa chuộng nhất thường sử dụng cho các máy câu cá cao cấp do có tính năng cứng và khả năng phân tán nhiệt. Graphite tuy không cứng bằng nhôm nhưng lại nhẹ hơn nhôm và có giá thành rẻ nên thường được sử dụng cho các máy câu phổ thông. Ngoài ra, graphite dùng khá bền do ít khả năng bị rỉ sét. Máy câu làm từ nhựa tổng hợp thuộc dòng máy rẻ, độ bền kém hơn máy làm từ nhôm hay graphite.
4/ Size máy câu
Size máy câu cho biết trọng lượng và công suất của dòng máy mà bạn sẽ sử dụng cũng như khả năng chứa dây của máy. Một số size máy thông dụng:
- Máy câu cá 1000 đến 3500 (10 -30): đây là dòng máy nhỏ được thiết kế để câu các loài cá nhỏ và sử dụng với cần câu có chiều dài trong khoảng 6-7 ft (1m8 – 2m). Khả năng chịu lực của máy là 1-5 kg.
- Máy câu cá 4000-5500 (40 – 55): dòng máy có kích cỡ trung bình thiết kế cho các loài cá có kích thước trung bình và phù hợp với cần câu dài 6-7 ft (1m8 – 2m) hoặc 10-11 ft (3m-3m3).Khả năng chịu lực của máy là 4-7 kg.
- Máy câu cá 6000-9500 (60-95): loại máy này phù hợp với cần câu có chiều dài khác nhau và được sử dụng để bắt những con cá lớn. Máy này có khả năng chịu lực lên đến 15 kg.
5/Thông số máy câu
Bạn cần phải hiểu về những thông số cơ bản như tỉ số vòng quay, khả năng chứa dây hay bạc đạn. Hiểu rõ được nhu cầu và đọc được thông số máy câu sẽ giúp bạn xác định được loại máy nào phù hợp với tiêu chí.